Lạng Sơn là một vùng đất có vị trí địa lý đặc biệt do tiếp giáp với một phần Trung Quốc. Chính vì lẽ đó, trải qua bao nhiêu thăng trầm, suy thịnh, đổi thay của vận nước, nhiều ngôi chùa linh thiêng mang đậm dấu ấn lịch sử ra đời. Mỗi một ngôi chùa mang trong mình một hồn cốt riêng, một câu chuyện riêng tựa như lời thì thầm của lịch sử đến những thế hệ mai sau về một thời đã xa. Nào chùa Tam Thanh, nào chùa Tiên, chùa Tam Giáo,… Và trong số những ngôi chùa nổi tiếng nhất định phải tìm hiểu và ghé qua khi bước chân tới Lạng Sơn chính là chùa Thành Lạng Sơn. Dưới đây là top những sự thật du khách gần xa nên biết trước khi ghé thăm nơi này.
Tổng quan về chùa Thành Lạng Sơn
Chùa Thành (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) là một ngôi chùa có bề dày lịch sử. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV, trước đây thuộc Châu Ôn và có tên là Hương Lâm Tự. Đến năm 1796, chùa được trùng tu và đổi tên thành Diên Khánh Tự, tức tích điều thiện để tạo phúc cho đời sau. Nằm nép mình bên dòng sông Kỳ Cùng đầy thơ mộng, chùa Thành Lạng Sơn lặng lẽ chứng kiến hàng trăm năm lịch sử của dân tộc để rồi lại lặng lẽ gợi nhắc cho du khách thập phương nghe qua những chiều bảng lảng hương khói. Tìm hiểu về chùa Thành là một cách để tìm về một phần cội nguồn lịch sử dân tộc, cũng là cách để du khách tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp bình yên của chùa.
Những sự thật về chùa Thành Lạng Sơn mà bạn nên biết
Ngôi chùa gắn với truyền thuyết về cây cột đồng của Mã Viện
Vào thế kỷ 1, lo lắng trước cuộc nổi dậy khởi nghĩa của chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, vua Hán bấy giờ bèn sai Mã Viện sang đàn áp cuộc khởi nghĩa này, qua đó nhằm sáp nhập nước ta vào Đông Hán. Khi đem quân đi qua địa phận tiếp giáp giữa Giao Chỉ và Trung Quốc (nay là Lạng Sơn), Mã Hán Siêu cho quân xây dựng cột đồng, trên cột đồng có khắc sáu chữ “Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt”, có nghĩa là khi cột đồng này bị đổ, người Giao Chỉ khi ấy sẽ lập tức gặp nạn diệt vong.
Tương truyền, bất cứ người dân Giao Chỉ nào khi đi qua đều ném vào cây cột một hòn đá. Những hòn đá đó không đủ sức làm đổ cột, mà theo thời gian, chúng dần chôn lấp cột đồng đi, cây cột cũng theo đó mà chìm vào quá khứ. Đại Việt sử ký toàn thư có viết: Năm Tân Mùi (1271), Hốt Tất Liệt có yêu sách đòi vua Trần Thánh Tông phải sang chầu. Trần Thánh Tông khi ấy đã viện cớ ốm nặng, không đi được đường xa. Hốt Tất Liệt tức giận cho sứ sang yêu cầu vua Trần chỉ cho chúng cột đồng của Mã Viện thuở xưa, với ý nhắc khéo rằng cái cột đồng là lời hăm dọa đanh thép rằng Đại Việt có thể bị san bằng bất cứ lúc nào. Khi ấy, vua Trần Thánh Tông đã không hề run sợ mà khẳng khái trả lời chúng rằng: “Cột ấy lâu ngày nên đã mất”.
Thế kỷ XVII, năm Đinh Sửu (1637), Giang Văn Minh được vua Lê cử sang yết kiến hoàng đế nhà Minh. Để thử tài thám hoa nước ta, vua Minh đã ra câu đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”, ý nói cây cột đồng từ thời Mã Viện đến nay rêu đã phủ xanh, ý nghĩa huênh hoang về sức mạnh Trung Hoa. Giang Văn Minh không ngần ngại mà đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”, nhắc nhở về những trận thua nhục nhã trên sông Bạch Đằng mỗi khi phương Bắc có ý định xâm lược nước ta.
Vào thời kỳ Lý Trần, cạnh nơi có cột đồng bị đống đá đè lên, triều đình đã cho dựng nhà công quán làm nơi nghỉ chân của sứ thần hai nước Việt – Trung. Nhân dân ta xây chùa cạnh nhà công quán và đặt tên là Diên Khánh tự. Ngôi cổ tự nằm cạnh Đoàn Thành phía bắc, nên dân gian vẫn quen gọi nơi đây là chùa Thành.
Là ngôi chùa có số lượng tượng đồng nguyên khối lớn nhất Việt Nam
Tọa lạc nơi dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng lặng lẽ chảy qua, tiếng chuông chùa ngân vang mỗi ngày như rót vào tai người dân và du khách thập phương những thanh âm thánh thót. Tiếng chuông chùa Thành được nhiều du khách tìm đến để thưởng lãm do âm thanh vang xa tới hàng chục km. Sở dĩ tiếng chuông Diêm Khánh Điện có thể ngân vang đến vậy là nhờ vào quả chuông nặng hơn 2 tấn được đúc vào năm 2007, treo ở tam quan của chùa.
Ngoài quả chuông ở tam quan, chùa Thành Lạng Sơn hiện còn lưu giữ một quả chuông cổ được đúc vào triều vua Lê Hiển Tông. Chuông có trọng lượng khoảng 600kg. Cả 2 quả chuông được treo trong chùa đều mang nghĩa cầu quốc thái dân an, cầu cho nhân dân nước Việt đời đời ấm no, hạnh phúc.
Toàn bộ hệ thống tượng thờ của chùa đều được đúc bằng tượng vàng nguyên khối với 53 pho tượng lớn nhỏ. Tất cả các pho tượng đều có nét chạm khắc đẹp tới mức hoàn hảo, minh chứng cho bàn tay khéo léo, tài tình của các nghệ nhân xưa. Năm 2007, chùa Thành được ghi danh vào sách Kỷ lục Việt Nam khi là ngôi chùa hệ thống tượng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam.
Là ngôi chùa duy nhất của cả nước có đầy đủ hệ thống tượng Phật thờ theo Phật giáo Bắc Tông
Để vào trong chùa, du khách phải bước chân qua cổng tam quan chùa với lối thiết kế cổ truyền của Phật giáo Bắc Việt. Tam quan có 24 mái, lợp ngói mũi hài và các đầu đao cong vút. Hệ thống mái chùa được chạm đục tỉ mỉ với bốn linh vật đặc trưng của văn hóa Á Đông: Long, ly, quy, phượng như vờn đuổi nhau trên mái chùa. Tất cả các linh vật được chạm khắc tỉ mỉ tạo cảm giác như chúng đang bay lượn, vờn đuổi nhau trên mái chùa.
Chùa có các cột gỗ lim có với chiều cao 9m, chiều rộng được tính theo sải tay ôm chặt của một người trưởng thành. Cửa sổ của ngôi chùa được thiết kế theo cảm hứng âm dương trời đất, với cửa sổ ngoài hình tròn, cửa sổ trong hình vuông. Cánh cửa cũng được làm như một bức tranh tứ bình tạo cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng. Ngoài ra, chùa còn có hệ thống câu đối chữ Hán được gắn bằng sứ hết sức tỉ mỉ, công phu.
Đặc biệt, đây còn là ngôi chùa duy nhất trên toàn quốc có đầy đủ hệ thống tượng Phật thờ theo Phật giáo Bắc Tông. Ngôi Đại Hùng Bảo Điện uy nghiêm nhưng gần gũi, làm cho du khách khi ghé thăm có cảm giác như đang được diện kiến chư phật, bồ tát, thánh tăng.
Ngôi chùa nắm giữ nhiều kỷ lục khác của Việt Nam
Theo đại đức Thích Bản Chung – Phó Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tại Chùa Thành, ngôi chùa cổ kính này ngoài kỷ lục có số lượng tượng Phật lớn nhất Việt Nam, còn nắm giữ tới hai kỷ lục khác.
Nhân dịp đại lễ Vesak năm 2008, vào tối ngày 18/05, chùa Thành đã tổ chức cho các tăng ni và phật tử của chùa thả hơn 10.000 chiếc đèn hoa đăng xuống sông kỳ cùng. Con sông kỳ cùng vốn thơ mộng nay lại càng trở nên lung linh, huyền ảo dưới khi thiêng đất trời, cả con sông rực sáng như chào mừng ngày Đức Phật đản sinh. Nhờ sự kiến đó, Diêm Khánh Tự trở thành ngôi chùa thả hoa đăng nhiều nhất Việt Nam, được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam thống kê và xác nhận vào năm 2008.
Một năm sau, chùa Thành lại tiếp tục được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam ghi danh là “ngôi chùa tổ chức đại lễ chúc thọ theo Phật giáo lớn nhất Việt Nam”. Trong năm này, Đạo tràng chùa Thành đã tổ chức đại lễ chúc thọ cho trên 2000 phật tử trong và ngoài tỉnh. Hoạt động này càng gắn kết mối quan hệ giữa người với người, giữa đạo với người và giữa con người với Đức Phật, cũng như là một lời nhắc nhủ con người hãy sống hướng thiện, tâm phải hướng Phật, tích cực tạo phúc đức để lại cho mình và con cháu đời sau.
Lời Kết
Thoạt nhìn qua, du khách sẽ nghĩ chùa Thành Lạng Sơn cũng giống như bao ngôi chùa khác ở Việt Nam. Nhưng chỉ cần tìm hiểu và quan sát tinh tế một chút thôi, ta sẽ nhận ra ở ngôi chùa này còn nhiều bí mật ẩn sâu trong những vết tích nhuốm màu thời gian. Chùa Thành vẫn ở đó, vẫn nép mình bên dòng sông Kỳ Cùng nên thơ, tạo nên vẻ đẹp ưu tư, hoài niệm. Những du khách đã từng đặt chân đến đây đều mong một mai có thể trở lại, những du khách chưa bao giờ ghé qua lại hi vọng một dịp gần nhất được đến với chùa, được nghe tiếng chuông chùa ngân vang, rũ bỏ hết gánh nặng cuộc sống để tận hưởng sự thanh tịnh nơi thăm thẳm tâm hồn cùng ngôi chùa cổ kính này.